Nghề nuôi tôm hùm phát triển mạnh ở Nam Trung bộ, đem lại nguồn thu nhập cao cho người dân, hiện tập trung nhất ở 3 tỉnh là Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa.
Song gần đây, người nuôi tôm hùm đang gặp nhiều khó khăn, bất cập, bởi công tác quy hoạch nuôi chưa đồng bộ, thống nhất giữa vùng, liên vùng và địa phương liên quan đến du lịch và an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Cùng với đó, là những tồn tại trong công tác phòng, chống dịch bệnh, rủi ro thiên tai.
Chính vì vậy, nghề nuôi tôm hùm đang đối mặt với nhiều khó khăn như môi trường ô nhiễm, thời tiết bất lợi, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, thị trường tiêu thụ không ổn định. Đặc biệt, là việc ô nhiễm môi trường khiến tôm hùm nhiễm bệnh chết hàng loạt, khiến người dân nuôi tôm hùm lao đao.
Trước thực tế đó, trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh đang triển khai đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước về giải pháp quản lý môi trường nuôi tôm hùm tại vịnh Xuân Đài để phát triển theo hướng bền vững.
Riêng tại Phú Yên, theo quy hoạch của địa phương đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 thì trên địa bàn thị xã Sông Cầu có khoảng 1.000ha diện tích mặt nước nuôi tôm hùm, với khoảng 32.900 lồng nuôi trồng thủy sản. Trong đó, ở vịnh Xuân Đài là 747ha, đầm Cù Mông 253ha. Hiện thị xã Sông Cầu (Phú Yên) có hơn 82.300 lồng nuôi thủy sản; tăng gấp 2,5 lần so với quy hoạch.
Chính việc phát triển nóng diện tích mặt nước nuôi tôm hùm đã dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường các vùng thả nuôi. Theo nghiên cứu của trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh, riêng vịnh Xuân Đài mỗi ngày có khoảng 8 tấn chất thải từ nuôi trồng thủy sản thải ra môi trường, đa phần là rác thải sinh hoạt của các hộ dân, nhà máy sản xuất thải trực tiếp xuống vịnh.
Một nguồn thải khác cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường biển tại khu vực này, là chất thải từ các ao nuôi thủy sản. Đặc biệt, các ao nuôi ốc hương ở ven vịnh Xuân Đài. Lượng chất thải này tích tụ nhiều năm sẽ ảnh hưởng xấu đến chất lượng nước vùng nuôi, gây ô nhiễm môi trường, làm thủy sản nuôi bị chết…